Bài văn tả cây phượng

              Mỗi lần nghe câu hát: “Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi…” trong bài hát Thời hoa đỏ do ông nội em phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ Thanh Tùng, em lại nhớ đến những kỷ niệm khó quên gắn với cây phượng trong sân trường tiểu học Kim Đồng.
        
     Cây phượng được trồng ở sân sau của trường, ngay sát cửa sổ lớp em. Không biết cây phượng đó được trồng từ khi nào mà hồi em học lớp 5, ngọn cây đã cao quá tầng 2. 
Tháng 9 đi học, cây phượng rụng lá đầy sân trường. Lá phượng như lá me bay chao nghiêng nhè nhẹ. Nó mỏng manh lắm, chỉ một cơn gió thoảng qua là lá phượng bay như mưa, như sao. 
Rồi mùa đông, cây phượng trơ trụi lá, chỉ còn những quả phượng dài, thẫm đen treo lủng lẳng đến qua mùa đông. Lúc đó, nhìn cây phượng buồn lắm. Hồi ấy, em chỉ mong đến giờ ra chơi để bọn con gái chúng em ùa xuống sân trường, quây quần bên gốc cây phượng cho bác phượng già bớt cô đơn. 
Mùa xuân tới, sau đợt nghỉ Tết Nguyên Đán, chúng em lại ríu rít tới trường. Ôi, cây phượng đã đâm chồi, nảy lộc, lúc đầu chỉ là những chồi non bé tí. Chúng em lại cùng nhau chứng kiến sự hồi sinh của bác phượng già. 
Mới đó mà đến tháng Ba, tháng Tư, cây phượng đã xanh ngắt một màu, cành lá xum xuê. Cuối tháng Năm, không hiểu những nụ hoa ấp ủ lúc nào mà nhanh đến thế, hoa phượng đồng loạt nở từng chùm đỏ rực, đan xít vào nhau, rực rỡ chói chang cả một khoảng sân trường. Hoa phượng tương đối to, với 4 cánh hoa tỏa rộng màu đỏ tươi, còn cánh hoa thứ năm mọc thẳng, cánh hoa này lớn hơn một chút so với 4 cánh kia và lốm đốm màu trắng, vàng. Cánh phượng mỏng manh như cánh bướm xếp khít vào nhau, ôm lấy những tơ nhụy vàng tươi trông thật lộng lẫy. Mẹ em bảo, tên gọi đầy đủ của cây phượng là phượng vĩ. Phượng vĩ là chữ ghép Hán Việt, có nghĩa là đuôi của con chim phượng. Mẹ còn nói, hồi bé, mẹ đã từng hái hoa phượng ghép thành con bướm, nhụy hoa làm râu bướm, mẹ gọi đó là bướm phượng, mẹ đã ép nhiều bướm phượng vào cuốn nhật ký mà mẹ vẫn còn giữ đến tận bây giờ, màu sắc tuy không còn tươi nhưng lại ngả sang màu cam nâu, nhìn vẫn rất đẹp.
          Cây phượng còn gắn với ve sầu, nói đến phượng là phải nói đến ve sầu, cứ đến mùa hè, dù không cần đứng dưới tán phượng, ta sẽ vẫn được nghe một bản hòa tấu dường như không có phút ngừng nghỉ của những chú ve sầu bé nhỏ. Những âm thanh và hình ảnh ấy không người học trò nào có thể quên được.
            Chẳng phải ngẫu nhiên mà phượng vĩ còn có tên gọi là “Hoa học trò”, bởi mùa nở hoa của phượng trùng với thời điểm kết thúc năm học, khi tất cả học trò bước vào mùa thi, khi những chú ve sầu kêu hối hả gọi hè, và là mùa chia tay của biết bao thế hệ từ đây kết thúc đời học sinh bước vào cuộc sống.